Trong thời gian qua khoa QLGD luôn phấn đấu trở thành đơn vị vững mạnh trong đào tạo và bồi dưỡng cán bộ QLGD
- Đào tạo là một trong những nhiệm vụ trung tâm của Khoa. Khi mới thành lập, Khoa đứng trước những khó khăn, thách thức to lớn, đồng thời có không ít những cơ hội để vượt qua những trở ngại ban đầu, khẳng định bản lĩnh của mình, tạo cho mình một diện mạo mới. Sự khẳng định đó được chứng tỏ bởi những kết quả đào tạo và nghiên cứu khoa học ban đầu vững chắc.
- Trong quá trình phát triển, khoa đã xây dựng được chương trình đào tạo cử nhân chính quy, hệ vừa làm vừa học theo niên chế và theo học chế tín chỉ; xây dựng và điều chỉnh mới chương trình đào tạo thạc sỹ theo phương thức đào tạo tín chỉ; xây dựng chương trình đào tạo tiến sĩ; đã có nhiều giáo trình, sách chuyên khảo, hàng chục báo cáo khoa học là kết quả tâm huyết của đội ngũ giảng viên của khoa biên soạn và xuất bản, đưa vào phục vụ đào tạo. Từ đội ngũ cán bộ cơ hữu ban đầu, đến nay khoa đã hình thành được đội ngũ cán bộ giảng viên tương đối đồng bộ về trình độ, cơ cấu lứa tuổi kế cận, trong đó có 4 PGS, 5 TS, 11 ThS, 2 cử nhân. Đây là đội ngũ cán bộ giàu tâm huyết, có ý thức trau dồi chuyên môn nghề nghiệp và phấn đấu nỗ lực không ngừng để nâng cao năng lực đáp ứng với yêu cầu phát triển chiến lược của khoa.
- Định hướng và thực hiện đào tạo QLGD ở các trình độ được đặt trong định hướng chung về sự phát triển tổng thể của khoa. Năm học 2008-2009, Khoa QLGD tuyển sinh và đào tạo cử nhân hệ chính quy. Bên cạnh đó, Khoa đã hoàn thành và tiếp tục triển khai kế hoạch đào tạo cử nhân QLGD ở nhiều địa phương: Hà Nội, Hưng Yên, Điện Biên, Phú Yên, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thanh Hoá, Đà Nẵng, Tây Ninh, Cần Thơ, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau,… Đối tượng của chương trình đào tạo bao gồm những nhà QLGD (Educational managers) và cán bộ lãnh đạo giáo dục (Educational Leaders) có nhu cầu đào tạo nâng cao trình độ, đạt chuẩn hoặc vượt chuẩn.
Khoa QLGD nỗ lực không ngừng trở thành một cơ sở khoa học, thành tựu cơ bản và lâu dài của khoa QLGD gắn liền vớixây dựng và nghiên cứu khoa học QLGD.
Khoa QLGD phấn đấu đi đầu trong công tác nghiên cứu khoa học nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn giáo dục. Với tính chất là một tổ chức nghiên cứu và đào tạo đầu ngành về QLGD, khoa QLGD đã đóng vai trò là trung tâm hợp tác nghiên cứu, tập trung lực lượng nghiên cứu khoa học QLGD trong cả nước. Như là một sự tất yếu, các nghiên cứu khoa học thực hiện sự kế thừa tri thức của những người đi trước, thực hiện sự hợp tác nghiên cứu do tính chất phân hoá đồng thời tích hợp liên ngành khoa học, thực hiện việc tập hợp các lực lượng nghiên cứu theo phương châm gắn lí luận với thực tiễn. Đặc biệt là sự hợp tác trong ngành đã đem lại cho khoa QLGD một mạng lưới cộng tác viên đông đảo. Đó là cán bộ quản lý, cán bộ giảng dạy, cán bộ nghiên cứu,… ở các đơn vị trong trường, Viện khoa học giáo dục Việt Nam, Học viện Quản lí giáo dục, Học viện Khoa học xã hội, Học viện chính trị quân sự… Sự phát triển của Khoa được đánh dấu bằng những công trình nghiên cứu khoa học, các đề án khoa học… toàn diện, góp phần mở rộng về qui mô và nâng cao chất lượng nghiên cứu. Sản phẩm nghiên cứu khoa học chính thức công bố trên các tạp chí khoa học và kỉ yếu hội thảo, tài liệu giáo trình, sách tham khảo,… Về mặt thực tiễn, những nghiên cứu của Khoa luôn luôn thực hiện gắn bó hai chức năng: nghiên cứu lý luận QLGD để phục vụ thực tiễn và lấy việc phục vụ thực tiễn là con đường xây dựng và phát triển khoa học QLGD. Khoa QLGD kiên trì thực hiện phương châm luôn luôn coi trọng nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và triển khai là con đường, là phương tiện để phát triển khoa học QLGD ở mức độ chuyên sâu.
Khoa QLGD xác định hợp tác quốc tế có ý nghĩa quan trọng trong việc trao đổi thông tin về giáo dục và những tiến bộ của khoa học QLGD, trao đổi kinh nghiệm đào tạo và bồi dưỡng cán bộ khoa học. Các hình thức hợp tác khoa học của Khoa với quốc tế đa dạng và linh hoạt: triển khai các chương trình hợp tác song phương, tham gia hội thảo, hội nghị khoa học, bồi dưỡng, đào tạo tại các nước Mỹ, Phần Lan, Thái Lan , Trung Quốc… Sự hợp tác này đã giúp cho cán bộ khoa học của Khoa có tầm nhìn đầy đủ hơn, cập nhật hơn về giáo dục và khoa học QLGD trên thế giới, tiếp thu, trao đổi được nhiều tri thức phong phú, hiện đại và thiết thực.
Khoa đã đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giảng viên đáp ứng yêu cầu phát triển. Khi mới thành lập, chỉ với một số lượng ít giảng viên, cán bộ (PGS. TS Bùi Minh Hiền, PGS. TS Trần Kiểm, PGS.TS. Nguyễn Xuân Thức, PGS.TS. Bùi Văn Quân, TS. Nguyễn Thị Yến Phương, ThS. Nguyễn Vân Anh, ThS Phạm Ngọc Long), đến nay khoa Quản lý giáo dục đã xây dựng một đội ngũ giảng viên và cán bộ có trình độ, giàu nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm cao,… Đây là nhân tố quyết định thành công mọi mặt của hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học của khoa QLGD.
Khoa đã hình thành ba Tổ Bộ môn: Cơ sở khoa học QLGD; Quản lý giáo dục đại cương, Quản lý nhà trường và các cơ sở giáo dục. Ba tổ bộ môn được xác định là ba mũi nhọn trong sự phát triển chuyên môn của Khoa. Sự hoạt động đồng bộ của các tổ chuyên môn đã tạo ra sự phát triển bền vững của Khoa.
Khoa QLGD đã hình thành và định hình một văn hóa tổ chức mang dấu ấn riêng
Việc xây dựng văn hoá tổ chức được lãnh đạo Khoa đề cao và nhận được sự đồng thuận của cán bộ trong khoa:
+ Ban chủ nhiệm và lãnh đạo khoa thực sự đi đầu trong đổi mới về tư duy quản lý, vận dụng sáng tạo thuyết văn hoá tổ chức vào giáo dục và quản lý giáo dục.
+ Khoa đã xây dựng được một tập thể sư phạm đoàn kết, trách nhiệm cao.
+ Hình thành nề nếp chuyên môn, xây dựng một chế độ làm việc, tác phong làm việc khoa học.
+ Tạo được một môi trường làm việc cộng tác và thân thiện giữa cán bộ trong khoa và giữa giảng viên và sinh viên, học viên các hệ đào tạo, tạo dựng một bầu không khí dân chủ, xây dựng văn hoá ứng xử, quan hệ quản lý tốt đẹp trong tập thể sư phạm
Chặng đường đã qua của khoa QLGD chưa phải là dài, nếu đem so với truyền thống của các đơn vị trong trường, nhưng với tiến trình xây dựng và phát triển của một đơn vị mới là khoảng thời gian đầy ý nghĩa. Nhìn lại những khó khăn ngay từ thuở ban đầu của quá trình xây dựng Khoa, hoàn toàn có thể ghi nhận sự đóng góp của Khoa trong sự lớn mạnh chung của trường ĐHSP Hà Nội, của ngành giáo dục và đào tạo. Đó là những hành trang quý giá để tập thể khoa QLGD tiếp bước vững vàng ở những chặng đường mới. Một diện mạo mới của khoa QLGD đã và đang hình thành rõ nét.