I. MỤC TIÊU ĐÀO TẠO
1. Mục tiêu chung
Đào tạo cử nhân Quản lý giáo dục có phẩm chất và năng lực chuyên môn về quản lý giáo dục và quản trị hành chính văn phòng; có năng lực sư phạm và năng lực nghiên cứu để làm việc tại các vị trí chuyên viên, nhân viên hành chính trong các cơ quan, tổ chức về giáo dục; giảng viên chuyên ngành quản lý giáo dục trong các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; nghiên cứu viên trong các cơ quan, viện nghiên cứu về khoa học quản lý nói chung và quản lý giáo dục nói riêng. Chương trình góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho việc xây dựng nền hành chính giáo dục chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và hội nhập quốc tế hiện nay.
2. Mục tiêu cụ thể
Chương trình được xây dựng theo tiếp cận năng lực với các mục tiêu về phẩm chất và năng lực gắn với các vị trí công việc sau khi ra trường của cử nhân quản lý giáo dục.
2.1. Về phẩm chất
Tốt nghiệp chương trình đào tạo cử nhân Quản lý giáo dục, sinh viên có phẩm chất các cơ bản của người chuyên viên, nhân viên hành chính trong các cơ sở giáo dục, phẩm chất của nhà giáo trong nhà trường xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam, phẩm chất của nhà nghiên cứu trong các cơ quan, viện nghiên cứu khoa học; thấm nhuần thế giới quan Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội; yêu nghề và có trách nhiệm cao với nghề nghiệp; có đạo đức tốt, có tác phong mẫu mực của người làm chuyên viên hành chính, nghiên cứu viên, nhà giáo dục.
2.2. Về năng lực
Hiểu biết và vận dụng kiến thức về khoa học giáo dục vào phân tích các vấn đề cơ bản của quản lý giáo dục: phân tích được các mô hình và xu thế phát triển xã hội và giáo dục, hiểu biết và phân tích được quy luật phát triển của giáo dục hiện đại, giải thích được cơ sở kinh tế học của giáo dục.
Hiểu biết và vận dụng kiến thức đại cương về quản lý để xác định các nội dung quản lý giáo dục: phân tích được cơ sở tâm lý học của quản lý, lãnh đạo giáo dục; phân tích được các vấn đề cơ bản của khoa học quản lý đại cương.
Phân tích được các nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước, quản lý ngành giáo dục và đào tạo; xác định được các nguồn lực và phân tích được các phương thức khai thác hiệu quả nguồn lực trong quản lý giáo dục: phân tích được các quy trình quản lý nhân sự, quản lý tài chính, cơ sở vật chất trong giáo dục; phân tích được quá trình thông tin trong quản lý giáo dục.
Tham mưu công tác quản lý hoạt động chuyên môn ở các cơ sở giáo dục: có năng lực xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; áp dụng được phương pháp dạy học và giáo dục, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; tư vấn và hỗ trợ học sinh; xây dựng được các loại kế hoạch trong các cơ sở giáo dục.
Hiểu biết và vận dụng tri thức quản lý hành chính – văn phòng trong cơ quan quản lý giáo dục và các cơ sở giáo dục: thực hiện được các quy trình quản lý văn bản đi và đến; quản lý hồ sơ và lưu trữ cơ quan; soạn thảo được các văn bản hành chính cá biệt và văn bản hành chính thông thường; tiếp nhận, xử lý, lưu trữ thông tin trong quản lý hành chính giáo dục.
Tổng hợp thông tin và tham mưu cho lãnh đạo các cơ quan quản lý giáo dục và các cơ sở giáo dục: tổng hợp thông tin về quá trình quản lý hành chính trong các cơ quan quản lý giáo dục và các cơ sở giáo dục, báo cáo và tham mưu cho lãnh đạo cơ quan quản lý giáo dục và các cơ sở giáo dục.
Tổ chức hội họp, lễ tân trong các cơ quan quản lý giáo dục và các cơ sở giáo dục: thực hiện được quy trình tổ chức hội thảo, hội nghị, tổ chức cuộc họp và công tác lễ tân trong các cơ quan quản lý giáo dục và các cơ sở giáo dục; thực hành được các chuẩn mực văn hoá công sở và áp dụng được quy trình xây dựng văn hoá tổ chức trong cơ quan quản lý giáo dục và các cơ sở giáo dục.
Hiểu biết và vận dụng phương pháp luận để xác định các tiếp cận trong nghiên cứu quản lý giáo dục, hiểu biết và vận dụng phương pháp nghiên cứu khoa học quản lý giáo dục.
Sử dụng được ngoại ngữ trong giao tiếp hành chính và trong hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học quản lý giáo dục.
Sử dụng thành thạo công nghệ thông tin trong quản lý và nghiệp vụ hành chính giáo dục, ứng dụng được công nghệ thông tin trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học quản lý giáo dục.
Tiêu chuẩn Năng lực chuyên môn quản lý giáo dục được xây dựng với các tiêu chí, chỉ báo và biểu hiện cụ thể.
3. Vị trí, khả năng công tác và học tập nâng cao trình độ sau khi tốt nghiệp
3.1. Vị trí công tác
– Là chuyên viên quản lý hành chính giáo dục trong các cơ quan quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo; Phòng Giáo dục và Đào tạo) và các cơ sở giáo dục (trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung học dạy nghề, cao đẳng, đại học).
– Là chuyên viên quản lý hành chính giáo dục trong các cơ sở giáo dục thường xuyên (trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh, huyện, quận); cơ sở giáo dục cộng đồng (trung tâm học tập cộng đồng); các cơ sở đào tạo bồi dưỡng, các cơ quan quản lý giáo dục của các tổ chức chính trị, văn hoá, xã hội, đoàn thể, doanh nghiệp, các tổ chức giáo dục ngoài công lập, các tổ chức quốc tế đang hoạt động ở Việt Nam...
– Là chuyên viên phụ trách công tác văn hoá – giáo dục trong các cơ quan, chính quyền các cấp (cơ quan trung ương, tỉnh, huyện, xã) và các tổ chức văn hoá – giáo dục ở cộng đồng.
– Là giảng viên chuyên ngành quản lý giáo dục trong các cơ sở đào tạo và bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục (các học viện quản lý giáo dục, trường đào tạo và bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục cấp tỉnh, thành phố, các khoa/tổ bộ môn quản lý giáo dục trong trường cao đẳng, đại học).
– Là cán bộ nghiên cứu trong các cơ quan nghiên cứu về quản lý giáo dục (các viện nghiên cứu, các trung tâm nghiên cứu của các trường cao đẳng, đại học...).
3.2. Khả năng công tác
– Triển khai nghiệp vụ quản lý tại các cơ sở giáo dục trong và ngoài hệ thống giáo dục quốc dấn.
– Tư vấn, trợ giúp công tác quản lý và phát triển giáo dục cho các cấp lãnh đạo và các tổ chức xã hội có liên quan đến công tác giáo dục trong và ngoài ngành
giáo dục.
– Có khả năng đáp ứng các dịch vụ giáo dục cho các cá nhân và các tổ chức xã hộ có nhu cầu về phát triển và quản lý giáo dục.
– Có khả năng giảng dạy và nghiên cứu về khoa học quản lý giáo dục trong các cơ quan nghiên cứu và đào tạo cán bộ quản lý giáo dục trong và người hệ thống giáo dục quốc dân.
3.3. Khả năng học tập nâng cao trình độ
– Có đủ khả năng tiếp tục học tập và nghiên cứu chuyên môn ở trình độ thạc sỹ và tiến sỹ.
– Có khả năng học văn bằng 2 hoặc học ngành kép các ngành sư phạm